Science & Technology Development Journal: Science of the Earth & Environment

An official journal of Institute for Environment and Resources, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Original Research

HTML

1738

Total

505

Share

Assessment of the status of techniques to attract farming swiftlets (Aerodramus fuciphagus amechanus) and noise impacts of the speaker intension of swiftlet farming houses in key area in Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This paper presents the results of assessing the status of techniques to attract swiftlets, technology to operate swiftlet houses by PRA method combined with direct survey of swiftlet houses in key areas in Ho Chi Minh City. The results show that the number of swiftlet houses is concentrated mainly in Can Gio district with 481 swiftlet houses, method of attracting swiftlets in which the combination of sound and feces accounts for the highest proportion of the methods with 37.14%. The most used sound is the sound of flock of swiftlets, which is used outside with 74.29%, the cry of a baby bird (lullaby) is used the most inside with 74.29%. The number of households that play the loudspeakers daily inside is 94.29% and the playing time is 19.84 hours. While the external speaker is 91.43% and the playing time is 12.17 hours, the sound system originates from Vietnam and Malaysia. Most of the swiftlet houses have a temperature measurement system (82.86%) and most are automatic (77.14%). The assessment of the noise level from the loudspeaker for the swiftlet house by a hand-held noise meter SL4202 that measures the noise according to Vietnamese Standard TCVN 7878-1:2008 shows that the average noise level in the swiftlet house area in Can Gio and Long Phuoc commune, district 9 is 1.1 and 1.4 DBA higher than QCVN 26, respectively.

MỞ ĐẦU

Ở Tp. Hồ Chí Minh hiện nay, nghề nuôi yến đã và đang được xác định là một trong những nghề tiềm năng có khả năng thu nguồn lợi kinh tế cao. Đến thời điểm cuối năm 2019, toàn thành phố có tổng cộng 19 quận/huyện có hoạt động nuôi yến với số lượng nhà yến là 796 nhà 1 . Đa số nhà yến hiện nay được nuôi theo kiểu tự phát, chưa có một quy trình chuẩn về kỹ thuật dẫn dụ, dẫn đến số lượng chim yến về làm tổ kém, không hiệu quả về mặt kinh tế. Các hoạt động quản lý nhà yến của chính quyền địa phương hiện nay chủ yếu được thực hiện theo thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT năm 2013 2 cũng chưa có quy định rõ ràng về các tiêu chuẩn trong việc xây dựng và thiết kế nhà yến, quy định về các phương pháp dẫn dụ một cách cụ thể. Và mới đây nhất, theo dự thảo phương án quy hoạch vùng nuôi chim yến tại Tp. HCM, thành phố sẽ hạn chế số lượng nhà yến tại các khu đô thị, khu vực tập trung đông dân cư, và chỉ cho nuôi tập trung tại các khu vực có diện tích đất nông nghiệp dự trữ lâu dài để phát triển bền vững như: huyện Cần Giờ, Củ Chi và quận 9 3 . Đồng thời cũng tiến hành đẩy mạnh nghiên cứu các kỹ thuật gây nuôi và tăng đàn phù hợp với các vùng quy hoạch.

Kỹ thuật dẫn dụ chim yến về làm tổ trong đó âm thanh nhà yến là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần mang lại thành công cho nhà yến 4 . Chim yến chủ yếu được gây nuôi và tăng đàn tự nhiên chủ yếu qua việc sử dụng máy phát âm thanh dẫn dụ. Tuy nhiên, do thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến được mở nhiều giờ liên tục gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng, nhất là tại khu vực nội thành, khu dân cư tập trung. Đã có một số nghiên cứu gần đây đưa ra một số tiêu chuẩn về kỹ thuật dẫn dụ chim yến và vận hành nhà yến 5 , 6 , tuy nhiên các nghiên cứu chưa đi sâu vào phân tích tính đặc thù cho từng địa phương khác nhau.

Thêm vào đó, do chưa có Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn kỹ thuật về nuôi chim yến mà cụ thể là kỹ thuật dẫn dụ chim yến và vận hành nhà yến nên hoạt động nuôi chim yến gây khó khăn trong công tác quản lý tại địa phương 3 . Chính vì vậy việc đánh giá hiện trạng kỹ thuật dẫn dụ chim yến nhà cũng như mức độ ảnh hưởng của tần suất và cường độ của loa dẫn dụ chim yến đến dân cư vùng nuôi ở các khu vực nuôi yến trọng điểm tại Tp. HCM giúp cho các nhà quản lý xây dựng các tiêu chuẩn về kỹ thuật dẫn dụ - vận hành, giúp tăng năng suất của các nhà nuôi yến cũng như trong công tác quy hoạch để giảm thiểu ảnh hưởng tiếng ồn từ loa dẫn dụ chim yến đến môi trường xung quanh, hướng đến phát triển bền vững.

VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Địa điểm nghiên cứu

Địa điểm nghiên cứu: nghiên cứu được thực hiện tại 3 quận/huyện thuộc TP. HCM là huyện Cần Giờ, xã Long Phước (quận 9) và huyện Củ Chi.

Phương pháp đánh giá hiện trạng đặc điểm kỹ thuật dẫn dụ chim yến

Sử dụng phương pháp điều tra có sự tham gia của cộng đồng (PRA) bằng các phiếu điều tra 7 . Việc điều tra khảo sát được tiến hành từ tháng 6 đến tháng 7/2020. Số lượng phiếu điều tra là 35 phiếu, trong đó tại huyện Cần Giờ là 18 phiếu, quận 9 là 12 phiếu, huyện Củ Chi là 5 phiếu. Cách thức chọn mẫu ngẫu nhiên, hình thức điều tra là phỏng vấn trực tiếp người nuôi chim yến trong nhà kết hợp với khảo sát trực tiếp một số nhà nuôi yến. Nội dung phỏng vấn về đặc điểm kỹ thuật dẫn dụ chim yến và công nghệ hỗ trợ vận hành nhà yến bao gồm: phương tiện kiểm soát điều kiện không khí và âm thanh, camera giám sát, tổ giả.

Phương pháp đánh giá tiếng ồn của loa dẫn dụ nhà nuôi chim yến

Sử dụng máy đo độ ồn cầm tay SL4202 đo tiếng ồn theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7878-1:2008 8 . Nơi đo cần cách cấu trúc phản xạ âm khoảng 3,5 m (như các tấm tường phẳng lớn), để tránh ảnh hưởng của nhiễu phản xạ. Độ cao để tiến hành đo là 1,2 đến 1,5 m trên mặt đất, hướng micro sao cho có hướng về các loa dẫn dụ phát bên ngoài nhà nuôi yến. Tiếng ồn từ các nhà yến được đo ở các khoảng cách khác nhau: tại nhà nuôi yến; cách nhà yến 30 m, 50 m, 100 m và tiếng ồn môi trường xung quanh để làm đối chứng. Có tổng cộng 30 nhà nuôi yến được tiến hành đo độ ồn của loa dẫn dụ nhà nuôi chim yến.

Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu về hiện trạng hộ nuôi, đặc điểm kỹ thuật nhà nuôi yến và số liệu về độ ồn nhà nuôi yến được xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Hiện trạng đặc điểm kỹ thuật dẫn dụ chim yến

Hiện trạng số lượng nuôi yến tại khu vực trọng điểm:

Số lượng nhà yến tập trung nhiều nhất tại huyện Cần Giờ với 481 nhà, chiếm hơn 60% tổng số nhà yến tại Tp. HCM, tiếp theo là quận 9 với 60 nhà và Củ Chi với 21 nhà 9 .

Các phương pháp sử dụng để dẫn dụ chim yến

Có 3 phương pháp được sử dụng để dẫn dụ chim yến đến làm tổ trong các hộ được khảo sát tại Tp. HCM, bao gồm: sử dụng âm thanh, dung dịch tạo mùi và phân chim yến. Thường các nhà yến có thể sử dụng kết hợp nhiều phương pháp dẫn dụ hoặc đơn lẻ chỉ sử dụng phương pháp dùng âm thanh. Biểu đồ bên dưới cho thấy phương pháp kết hợp giữa âm thanh và phân chiếm tỷ lệ cao nhất với 37,14%, tiếp theo là sử dụng phương pháp dùng âm thanh để dẫn dụ với 31,43%. Phương pháp kết hợp giữa âm thanh và dung dịch tạo mùi chiếm 20%, thấp nhất là phương pháp kết hợp cả 3: âm thanh + dung dịch tạo mùi + phân chim yến, số liệu cụ thể được thể hiện trong biểu đồ ( Figure 1 ). Như vậy phương pháp dẫn dụ chính là sử dụng âm thanh và kết hợp thêm phân, dung dịch tạo mùi để dẫn dụ chim yến.

Figure 1 . Các phương thức dẫn dụ

Đánh giá hiệu quả của sự kết hợp các phương pháp dẫn dụ thể hiện trong biểu đồ ( Figure 2 ) cho thấy phương pháp kết hợp giữa âm thanh và phân cho sản lượng tổ yến trung bình cao nhất với 95,36 tổ/nhà, tiếp đến là phương pháp kết hợp giữa âm thanh, dung dịch tạo mùi và phân với 77,33/nhà tổ. Trong khi đó phương pháp chỉ sử dụng âm thanh cho sản lượng tổ yến trung bình thấp nhất với 36,78 tổ/nhà.

Figure 2 . Sản lượng tổ trung bình đối với các phương pháp dẫn dụ khác nhau

Loại âm thanh thường dùng để dẫn dụ chim yến

Hệ thống âm thanh để tạo tiếng kêu bầy đàn, là tín hiệu dẫn đường cho chim yến biết nơi ở của chúng và dẫn dụ chim yến về nhà yến. Theo biểu đồ ( Figure 3 ) cho thấy loại âm thanh thường được sử dụng trong các hộ được khảo sát cho thấy nhiều nhất là “âm thanh của quần đàn yến” được sử dụng bên ngoài với 74,29%, “tiếng kêu của chim con (tiếng ru)” được sử dụng nhiều nhất bên trong với 74,29%, tiếp theo là “âm thanh của chim đầu đàn” và “âm thanh giao phối ghép đôi”.

Figure 3 . Loại âm thanh dẫn dụ

Sự kết hợp giữa các loại âm thanh trong và ngoài nhà yến có sự chênh lệch rõ rệt, kết quả khảo sát theo biểu đồ ( Figure 4 ) cho thấy sự kết hợp giữa 2 loại âm “Tiếng kêu của chim con + Âm thanh của quần đàn yến” chiếm tỷ lệ cao nhất với 60% số hộ sử dụng, tiếp theo là sự kết hợp giữa “Âm thanh giao phối ghép đôi + Âm thanh của quần đàn yến” với 17,14% số hộ sử dụng. Thấp nhất là sự kết hợp giữa 2 loại âm “Âm thanh giao phối ghép đôi + Âm thanh của chim đầu đàn” với 8,57 số hộ sử dụng.

Figure 4 . Tỷ lệ kết hợp giữa các loại âm thanh trong và ngoài nhà yến

Cách điều chỉnh thiết bị âm thanh và thời gian phát

Theo biểu đồ ( Figure 5 ) cho thấy hình thức phát loa cả trong lẫn ngoài nhà yến được đa số các nhà yến sử dụng với 82,86%, thấp nhất là hình thức chỉ phát loa bên trong với 2,86% số hộ sử dụng.

Figure 5 . Tỷ lệ các hình thức phát loa dẫn dụ

Qua khảo sát cho thấy số hộ phát loa dẫn dụ hàng ngày bên trong rất cao với 94,29% và thời gian phát là 19,84 giờ. Trong khi đó phương án phát loa dẫn dụ bên ngoài cũng khá cao là với 91,43% và thời gian phát là 12,17 giờ, số liệu chi tiết được thể hiện trong Table 1 .

Table 1 Tỷ lệ các hộ phát loa dẫn dụ và thời gian phát

Đối với mỗi loại âm thanh có thời gian phát trung bình khác nhau, theo số liệu khảo sát ( Table 2 ) cho thấy đối với loa phát bên trong loại âm “Tiếng kêu của chim con” có thời gian lâu nhất với trung bình các hộ phát 20 giờ/ngày, còn đối với loa phát bên ngoài loại âm “Âm thanh của chim đầu đàn” có thời gian phát trung bình ít hơn gần 2 giờ so với loại âm “Âm thanh của quần đàn yến”.

Table 2 Thời gian phát trung bình của các loại âm dẫn dụ

Việc bật/tắt hệ thống dẫn dụ bằng âm thanh đa số được diễn ra tự động với trên 80% các hộ lắp đặt hệ thống hẹn giờ cả bên trong ( Figure 8 ) và bên ngoài nhà nuôi yến. Theo biểu đồ ( Figure 6 ) cho thấy âm thanh bên ngoài nhà yến có 11,43 % và bên trong nhà yến có 8,57% điều chỉnh bằng phương pháp thủ công.

Figure 6 . Điều chỉnh âm thanh nhà yến

Theo biểu đồ ( Figure 7 ) cho thấy, có rất nhiều chủng loại hệ thống âm thanh trên thị trường, nhưng phổ biến nhất vẫn là các hệ thống âm thanh được lắp đặt theo công nghệ có xuất xứ từ Việt Nam và Malaysia, trong đó hệ thống âm thanh có xuất xứ Việt Nam chiếm 48,57%, hệ thống âm thanh có xuất xứ từ Malaysia chiếm 42,86%, còn lại là hệ thống âm thanh tự lắp ráp với 8,57%.

Figure 7 . Xuất xứ hệ thống âm thanh

Figure 8 . Bố trí loa bên trong nhà yến tại Tp. HCM

Công nghệ hỗ trợ vận hành nhà yến

Phương tiện kiểm soát điều kiện không khí

Các nhà yến hiện đại thường sử dụng thiết bị làm lạnh, phun ẩm tự động ( Figure 10 ), tự điều chỉnh không khí khi quá nóng, quá khô và quá ẩm ướt, nhờ đó bầu không khí nhà yến luôn tốt, giúp chất lượng tổ yến tốt hơn. Theo biểu đồ ( Figure 9 ) cho thấy đa số các nhà yến đều có hệ thống đo nhiệt độ trong nhà yến (82,86%) và phần lớn là tự động (77,14%), một số ít điều chỉnh thủ công (22,86%), các hộ có gắn hệ thống máy điều hòa chiếm 17,84%.

Figure 9 . Hệ thống nhiệt độ trong nhà yến

Figure 10 . Hệ thống hẹn giờ tự động phát âm thanh trong nhà yến tại huyện Cần Giờ

Theo biểu đồ ( Figure 11 ) cho thấy có 97,14% các hộ có hệ thống phun sương trong nhà, đều được cài đặt tự động hẹn giờ ( Figure 12 ), có 2,86% số hộ kết hợp làm mưa giả và phun sương. Thời gian hoạt động của hệ thống phun sương có 68,57% số hộ sử dụng hàng ngày, 14,29% số hộ sử dụng định kỳ và 5,71% số hộ sử dụng tùy thích khi độ ẩm xuống quá giới hạn cài đặt.

Figure 11 . Phương thức tạo độ ẩm

Figure 12 . Hệ thống điều khiển hẹn giờ tự động và thiết bị phun sương trong nhà yến

Hệ thống camera giám sát

Lắp đặt hệ thống camera trong nhà yến mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi như: giám sát hệ thống âm thanh, số lượng yến đi và về trong ngày, giám sát địch hại. Theo biểu đồ ( Figure 13 ) cho thấy có gần 50% số hộ có gắn camera trong nhà yến, đa phần là ở các nhà yến mới, chủ nhà yến thường trú ở nơi khác, ít có thời gian thăm nom, trông coi nên lắp đặt để giám sát từ xa.

Figure 13 . Tỷ lệ các hộ sử dụng camera giám sát

Gắn tổ giả

Trên ván tổ hoặc tường cần gắn tổ giả ( Figure 15 ) để chim đu bám và kích thích chim làm tổ. Giúp chim non tập xây tổ vì chúng chưa thạo cách làm tổ và lượng nước bọt cũng còn ít. Theo theo biểu đồ ( Figure 14 ) cho thấy số hộ dùng tổ giả không nhiều, chiếm chỉ 23% số hộ được khảo sát. Số liệu thống kê đã cho thấy việc gắn tổ giả trong nhà nuôi yến không phải là yếu tố chính quyết định việc chim yến có đến làm tổ hay không.

Figure 14 . Tỷ lệ các hộ có tổ giả trong nhà yến

Figure 15 . Tổ giả gắn bên trong nhà yến tại xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ

Ảnh hưởng của cường độ và tần suất phát loa dẫn dụ yến đến dân cư vùng nuôi

Theo số liệu đo độ ồn tại huyện Cần Giờ cho thấy, độ ồn trung bình tại khu vực nhà nuôi là 71,1 DBA, trong đó giá trị độ ồn cao nhất ghi nhận được là 77 DBA, giá trị thấp nhất ghi nhận được là 65 DBA.

Tại khoảng cách 30m, độ ồn trung bình là 60 DBA, trong đó giá trị độ ồn cao nhất ghi nhận được là 65 DBA, giá trị độ ồn thấp nhất là 52 DBA. Đối với khoảng cách 50m, độ ồn trung bình giảm xuống còn 53 DBA, trong đó độ ồn cao nhất là 60 DBA, thấp nhất ghi nhận được là 45 DBA. Khoảng cách 100m, độ ồn trung bình tiến sát về độ ồn trung bình của môi trường với 47,2 DBA, với giá trị cao nhất là 50 DBA và thấp nhất là 41 DBA tức thấp hơn giá trị trung bình của môi trường xung quanh.

Như vậy, độ ồn trung bình tại khu vực nhà nuôi yến huyện Cần Giờ đã vượt quá 1,1 DBA ngưỡng cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn (QCVN 26:2010/BTNMT) tại các khu vực khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính ( Table 3 ).

Table 3 Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại nguồn phát theo QCVN (DBA)

Đối với các khoảng cách 30m, 50m và 100m so với khu vực nuôi yến, độ ồn trung bình nằm dưới ngưỡng theo QCVN 26, tuy nhiên vẫn cao hơn mức độ ồn của môi trường xung quanh, trong đó ở khoảng cách 30m, độ ồn TB cao hơn 17 DBA, khoảng cách 50m là 10 DBA và 100m là 4,2 DBA (biểu đồ Figure 16 ). Như vậy khu dân cư ở càng gần khu vực có nhà nuôi yến tại huyện Cần Giờ thì vẫn bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn phát ra tuy mức độ vẫn dưới ngưỡng cho phép của QCVN 26.

Figure 16 . Độ ồn TB tại huyện Cần Giờ

Số liệu biểu đồ ( Figure 17 ) về độ ồn đo được tại huyện Củ Chi cho thấy độ ồn trung bình tại khu vực nhà nuôi yến là 69,8 DBA, trong đó độ ồn cao nhất ghi nhận được là 75 DBA và thấp nhất là 55 DBA. Ở khoảng cách 30m, độ ồn trung bình giảm nhanh xuống còn 60,4 DBA, trong đó độ ồn cao nhất ghi nhận được là 62 DBA và thấp nhất là 50 DBA. Tại khoảng cách 50m tính từ khu vực nuôi yến độ ồn TB giảm còn 56,4 DBA, độ ồn cao nhất tại khoảng cách này ghi nhận được là 65 DBA và thấp nhất là 44 DBA. Đối với khoảng cách 100m so với khu vực nhà yến, độ ồn trung bình gần bằng với độ ồn trung bình của môi trường xung quanh: 53,6 DBA so với 52 DBA.

Như vậy độ ồn TB tại huyện Củ Chi không vượt quá QCVN 26, tuy nhiên tại khu vực nhà nuôi yến độ ồn TB cao hơn độ ồn TB của môi trường xung quanh 17,8 DBA, ở khoảng cách 30m là 18,4 DBA, khoảng cách 50m là 14,4 DBA.

Figure 17 . Độ ồn TB tại huyện Củ Chi

Tại xã Long Phước, nơi tập trung nhiều nhà nuôi yến nhất của Quận 9, độ ồn trung bình đo được tại khu vực nhà nuôi yến là 71,4 DBA, trong đó độ ồn cao nhất ghi nhận được là 82 DBA, độ ồn thấp nhất ghi nhận được là 59 DBA. Tại khoảng cách 30m so với khu vực nhà nuôi yến, độ ồn trung bình giàm nhanh xuống còn 59,2 DBA, trong đó độ ồn cao nhất ghi nhận được tại khoảng cách này là 62 DBA, thấp nhất là 50 DBA. Ở khoảng cách 50m, độ ồn TB giảm còn 54,6 DBA, trong đó giá trị cao nhất là 56 DBA, thấp nhất là 48 DBA. Tại khoảng cách 100m, độ ồn TB giàm còn 51,6 DBA, gần với giá trị của môi trường xung quanh là 48,2 DBA.

Theo biểu đồ ( Figure 18 ) cho thấy giá trị độ ồn TB tại khu vực nhà yến cao hơn QCVN 26 là 1,4 DBA, trong khi đó các khoảng cách 30m, 50m, 100m, giá trị TB thấp hơn 70 DBA. Tuy nhiên các giá trị này vẫn cao hơn độ ồn TB của môi trường cụ tương ứng với 11 DBA; 6,4 DBA; 3,4 DBA.

Figure 18 . Độ ồn TB tại xã Long Phước

So sánh độ ồn TB thu được tại 3 quận/huyện điển hình (biểu đồ Figure 19 ) cho thấy đối với tại khu vực nhà yến, xã Long Phước có giá trị độ ồn TB cao nhất với 71,4 DBA, tiếp đến là huyện Cần Giờ với 71,1 DBA, thấp nhất là Củ Chi với 69,8 DBA. Nhìn chung độ ồn TB giữa các khu vực chênh lệch không đáng kể.

Tại khoảng cách 30m, độ ồn TB tại 3 quận/huyện ở ngưỡng từ 59-60 DBA, trong khi đó tại khoảng cách 50m có sự chênh lệch rõ rệt giữa huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ với giá trị TB lần lượt là 56,4 DBA và 53 DBA, chênh lệch 3,4 DBA. Tại khoảng cách 100m là mức chênh lệch tăng lên 6,4 DBA.

Figure 19 . Độ ồn TB các quận/huyện

Giá trị độ ồn TB của môi trường xung quanh tại các quận/huyện cũng có sự khác biệt rõ rệt với giá trị độ ồn TB cao nhất là tại huyện Củ Chi với 52 DBA, thấp nhất là tại huyện Cần Giờ với 43 DBA và khu vực xã Long Phước đứng thứ 2 với 48,2 DBA.

KẾT LUẬN

Các công nghệ dẫn dụ chim yến tại Tp.HCM cũng khá đa dạng với 3 phương pháp dẫn dụ chính là bằng âm thanh, phân chim yến và tạo mùi thu hút chim yến. Sự kết hợp của cả ba phương pháp này giúp cho việc thu hút chim yến vào nhà yến được hiệu quả hơn giúp tăng sản lượng tổ yến và doanh thu.

Công nghệ hỗ trợ quản lý nhà yến khá đa dạng chủng loại và xuất xứ và không ngừng được cải tiến giúp việc vận hành nhà yến được hiệu quả hơn như hệ thống kiểm soát điều kiện không khí tự động, hệ thống camera giám sát và quản lý từ xa.

Độ ồn TB tại khu vực nhà nuôi yến ở Cần Giờ và xã Long Phước, quận 9 cao hơn QCVN 26 lần lượt là 1,1 và 1,4 DBA. So sánh độ ồn tại 3 quận/huyện tại khu vực nhà yến, độ ồn TB giữa các khu vực chênh lệch không đáng kể, tuy nhiên ở khoảng cách 100m mức chênh lệch giữa các quận/huyện tăng lên cao nhất với 6,4 DBA.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả cam đoan rằng không có xung đột lợi ích trong công bố bài báo “Đánh giá hiện trạng kỹ thuật dẫn dụ chim yến nhà ( Aerodramus fuciphagus amechanus ) và ảnh hưởng của cưởng độ phát loa dẫn dụ chim yến đến dân cư vùng nuôi ở các khu vực nuôi yến trọng điểm tại TP. Hồ Chí Minh”

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả Lương Đức Thiện là người xây dựng các quy trình thực hiện nghiên cứu, khảo sát, triển khai thực nghiệm, đồng thời chịu trách nhiệm chính biên soạn bài báo này.

Tác giả Nguyễn Văn Tú tham gia cố vấn xây dựng phương pháp nghiên cứu, tham gia khảo sát, triển khai thực nghiệm, tham gia hoàn thiện bài báo.

LỜI CẢM ƠN

Bài báo nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý, phát triển bền vững nghề nuôi yến ở thành phố Hồ Chí Minh” do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh quản lý và Viện Sinh học nhiệt đới chủ trì nhiệm vụ.

References

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn, QCVN 26:2010/BTNMT. . 2010;:. Google Scholar
  2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT về Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. 7 trang. . 2013;:. Google Scholar
  3. UBND thành phố Hồ Chí Minh. Dự thảo phương án quy hoạch vùng nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. . 2018;:. Google Scholar
  4. Hoan Dỗ Văn. Thực trạng quản lý và tình hình phát triển nuôi chim yến tại Việt Nam. Bản tin chuyên đề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 03-2018. Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 32 trang. . 2018;:. Google Scholar
  5. Lê Hữu Hoàng. Kỹ thuật xây nhà cho yến. Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam. . 2013;18:18-20. Google Scholar
  6. Thu Nguyễn Khoa Diệu. Chim yến và kỹ thuật nuôi lấy tổ. Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội. 265 trang. . 2013;:. Google Scholar
  7. Cẩn Nguyễn Duy, Vromant N. Tài liệu khuyến nông PRA (Participatory Rural Appraisal). Trường Đại học Cần Thơ. . 2006;:. Google Scholar
  8. Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 7878-1:2008. Âm học - mô tả, đo và đánh giá tiếng ồn môi trường. . 2008;:. Google Scholar
  9. Sở NN và PTNT TP. HCM. Báo cáo hiện trạng nuôi chim yến trong nhà tại TP. HCM. . 2020;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 534-544
Published: Jun 30, 2022
Section: Original Research
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjsee.v6i1.694

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Thiện, L., & Tu, N. (2022). Assessment of the status of techniques to attract farming swiftlets (Aerodramus fuciphagus amechanus) and noise impacts of the speaker intension of swiftlet farming houses in key area in Ho Chi Minh City. Science & Technology Development Journal: Science of the Earth & Environment, 6(1), 534-544. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjsee.v6i1.694

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1738 times
PDF   = 505 times
XML   = 0 times
Total   = 505 times